DI TÍCH LSVH ĐỀN QUAN ĐIỀU THẤT ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HÓA TÂM LINH CỦA DU KHÁCH CẢ NƯỚC

DI TÍCH LSVH ĐỀN QUAN ĐIỀU THẤT ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG
SƠ LƯỢC VỀ DI TÍCH ĐIỀU TRA
1. Tên gọi của di tích:
Tên thường gọi: Đền Quan Lớn Điều Thất (Đền quan Điều Thất).
2. Những nội dung lịch sử liên quan đến di tích.
2.1. Đối tượng được tôn thờ tại di tích.
- “Quan Điều Thất” các già làng truyền khẩu và căn cứ theo thần tích, thần phả có ghi là:" Đệ thất thủy quan đào tiên tôn thần" (Thủy Quan Đào Tiên Triệu Mưu Tá Tích Thích đức Phong Công Đại Vương)
Theo sách sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã An Quý - Quỳnh Phụ - tập 1 "Thời kỳ trước 1945 và 1945 - 1954)) có ghi: "Ngày nay trên mảnh đất An Quý còn ghi lại những di tích tư liệu lịch sử xác nhận như: Miếu Bắc, Miếu Nam thôn Sài… đống Chiêm, đống Lá Cờ, đống Cổ Ngựa, đồng Dù, ở Sài Mỹ là nơi tập trung quân sĩ của các tướng thời Trần, đặc biệt là Đền Quan Điều nằm trên địa phận thôn Mỹ nơi thờ: Đệ thất Hoàng Tử Thủy Cung linh ứng Đại Vương; (đã có công âm phù cho Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, đánh thắng giặc nguyên Mông" (SĐD).
Theo sách "Địa dư huyện Quỳnh Côi" của ông Ngô Vy Liễn (in năm 1933) có ghi: "Thôn Mỹ thờ hai vị: "Quốc Vương Bảo Kính linh ứng Hiển hóa Đại Vương và Đệ thất hoàng tử Thủy Cung đào tiên hiển ứng Đại Vương".
Theo thần tích còn lưu lại trong đền và truyền thuyết trong nhân dân về vị quan Điều Thất (Đào Tiên ) đã cùng với ông Vĩnh Công và 9 tướng khác phò giúp vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Đệ Vương đánh tan giặc Thục xâm lược nước Văn Lang.
Đến thời Trần tương truyền khu vực thôn Sài Mỹ và đền quan Điều Thất là nơi đóng quân của tướng Trần Quốc Tuấn và thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (trong quân đội chống giặc Nguyên - Mông của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Theo thần tích thì khi hành quân qua đây, tướng sĩ nhà Trần đã từng nghỉ chân tại đền vào khu vực làng Sài Mỹ rồi được Thành Hoàng (Quan Điều Thất báo mộng sẽ âm phù cho quân ta thắng trận). Sau chiến thắng chống quân Nguyên triều đình nhà Trần đã ban sắc phong tặng cho thần là: Đệ Nhất Hoàng Tử Thủy Quan Linh ứng Đại Vương. Sau lại tặng phong: Linh Quang Hộ Quốc Quảng Đại cao minh bảo cảnh hiển hựu Đại Vương (theo thần tích còn lưu tại đền).
Hiện trong đền còn lưu các câu đối, đại tự, thần tích và một số đạo cụ sắc phong của triều vua Khải Định năm thứ 10 tháng 6 ngày 26 (1925). Nơi thờ tự từ xưa tới nay vẫn được nhân dân trong làng, trong vùng và khách thập phương bảo tồn, xây dựng khang trang, hương khói quanh năm, hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày 19/8 - 26/8 để tưởng nhớ quan đệ thất Hoàng Tử Đào Tiên và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh quân sĩ của ông. Sau nhiều lần xây dựng ngôi đền đã có cảnh quan đẹp, môi trường xanh - sách, lại nằm ở ngã ba Tam Kỳ Giang tiện lợi đường thủy, đường bộ, do đó đã hấp dẫn du khách thập phương về chiêm bái .
Hiện nay trong đền còn bản tóm tắt giới thiệu điển tích về quan Điều Thất. Trong bản thần tích và bài vị có ghi rất rõ: Đệ thất Hoàng tử Đào Tiên hiển ứng Đại Vương.
+ Tóm tắt thần tích, truyền thuyết về vị thần được thờ tại đền là: "Đệ thất hoàng tử Đào Tiên hiển ứng Đại vương". Hiện còn lưu tại đền 2 bản thần tích thờ Ngài: Một bản viết về sự tích của quan Điều Thất giúp vua Hùng Vương. Một bản chép về việc quan Điều Thất âm phù cho tướng Trần Quang Khải đánh thắng giặc Nguyên Mông.
- Bản thứ nhất: "Hiện có lưu ở Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam" - Do đông Các Đại học sĩ ở viện Hàn Lâm là Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất 1572".
Nội dung của bản này là viết chung về thần tích của: "Ngũ Vị Hoàng tử Thủy Quan Phả tích" - có cả bản chữ Hán và bản dịch
- Bản thứ hai: "Được lưu tại địa phương "Điển tích Đức thành hoàng Đệ thất" có cả lời dịch và văn bản chữ Hán. Bản này được ghi là do Hàn Lâm Viện Đông các Đại học Sĩ: Nguyễn Kim An phụng soạn vào năm Hồng Đức Thứ 3. Nội dung của bản điển tích (thần tích) này là ghi lại sự hiển thánh linh thiêng của quan điều thất "Đệ Thất Hoàng Tử Đào Tiên" giúp cho các tướng nhà Trần và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Do thần có công âm phù cho quân ta thắng giặc Nguyên Mông nên thần đã được vua Trần Nhân Tông phong là Đệ thất Hoàng Tử Thủy quan linh ứng Đại Vương"; rồi lại tặng phong: Linh quang hộ quốc quảng đạt cao minh bảo cảnh hiển hựu Đại Vương. Sau đó lại gia phong là:" Mỹ tử âm phù nhất vị". Sắc chỉ cho dân thôn Lai ổn trang Mỹ Khu trùng tu miếu điện thờ".
b. Tóm tắt giới thiệu thần tích quan Điều Thất.
(Gồm 2 bản ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau).
Bản 1: Phụng sao ngũ vị hoàng tử thủy quan phả tích.
Bản 2: Bản thần tích còn lưu lại tại đền ghi lại sự tích các tướng thời Trần: Trần Quang Khải, Trần Quốc Tảng đã từng đóng quân tại nơi đây và được vị thần là Quan Điều Thất báo mộng, âm phù cho quân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông.
+ Tóm tắt qua thần tích, bia ký, truyền thuyết về đối tượng được tôn thờ tại di tích.
a. Tóm tắt bản thần tích 1:
Về lai lịch, sự tích của quan Điều Thất được thờ tại đền.
Hiện nay tại Viện TTKHXH Việt Nam còn lưu bản thần tích - thần sắc: "Ngũ vị Hoàng tử thủy quan phả tích" - trong đó có viết rõ về việc hoàng tử thứ 7 là: "Đệ thất hoàng tử thủy cung Đào Tiên hiển ứng Đại Vương" (Tài liệu có ký hiệu: TT - TS FQ4018/VIII; 19F2 ( TTS7969 ); rất có thể đây là những con người có thật bằng xương bằng thịt đã giúp vua đánh giặc giữ nước - qua thời gian đã được nhân dân thần thánh hóa và tôn thờ để không quên chiến công của người xưa vì độc lập dân tộc của đất nước.
Bản thần tích này do: "Đông các đại học sĩ ở Viện Hàn Lâm là Nguyễn Bính phụng soạn chính bản (ngày tốt, đầu xuân năm Hồng Phúc (1572). Mùa thu năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) nội các bộ lại theo bản cũ phụng chép". Nội dung như sau:
Vào thời vua Hùng Duệ Vương đóng đô ở sông Bạch Hạc thuộc Việt Trì, xây dựng đất nước, lấy hiệu là Văn Lang, quốc đô ở thành Phong Châu. Khi đó chính cung Hoàng hậu của Thánh Quân Động Đình, Bát Hải nằm mộng thấy rồng vàng quấn quýt bên nhau, chim phượng hợp lại bên người, hào quang đầy nhà… rồi từ đó có thai đến ngày 10/8/ năm Nhâm Tý sinh hạ được 10 người con trai. Các hoàng tử thiên tư kỳ lạ, mặt mũi khác thường, thông minh tuyệt đỉnh. Khi lớn lên văn tài, võ giỏi, tiếng thơm vang khắp muôn nơi, mọi người đều cho là thần tiên xuất thế nên ai cũng kính phục.
Vua Hùng Duệ Vương nghe tiếng đồn liền vời đến cung vua để thử tài và cho yết kiến. Thấy 10 người đều có tài văn võ, học rộng biết nhiều, vua Hùng rất yêu quý, bèn lập một chàng làm thái tử Long cung, còn 9 người kia đều được gọi là hoàng tử. Cuối đời vua Hùng không có con trai nối dõi chỉ có con gái là Mỵ Nương lấy Tản Viên Sơn Thánh; sau đó vua nhường ngôi cho Sơn Thánh.
Lúc đó các nước lân bang nghe tin vua Hùng Duệ Vương đã già lại không có người nối ngôi; vua đã nhường ngôi cho Sơn Thánh. Nhân cơ hội đó các nước bèn thừa thế kéo quân chia làm 5 đường tập trung ở cửa biển. Thủy, lục cùng tiến để xâm lược nước Văn Lang, nhà vua bèn Triệu Sơn Thánh đến hỏi kế. Sơn Thánh tâu với vua Hùng triệu hồi 10 vị hoàng tử ở Long cung tới giúp. Các hoàng tử được vua Hùng lệnh cho đem 5000 quân thủy bộ chia làm 2 đường đi chặn giặc.
Lúc đó Sông Vĩnh ở Trang Hoa Đào, quận Phụ Hoàng còn là cửa biển; Thái tử Long Cung cùng 9 vị hoàng tử tiến về cửa biển, tới Trang Hoa Đào liền ở lại cùng nhân dân nơi đây xây dựng 5 đồn để chống địch. Sau khi giặc ngoại xâm bị dẹp tan, vua Hùng ban chiếu triệu thái tử Long Cung và 9 vị hoàng tử về cung; nhà vua mở hội mừng gia phong cho 5 vị hoàng tử thuộc ấp ở quận Phụ Hoàng, còn 5 vị được cho cai trị ở các vùng cửa biển.
Năm vị hoàng tử bái tạ trở về quận Phụng Hoàn nhận thực ấp, họ xây dựng trang ấp ở chỗ Điền Trang Hoa Đào, giúp đỡ nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no. Thần tích viết: "Những người già cả cùng nhân dân trong trang Hoa Đào cùng nói rằng: "Từ khi đại nhân xây đồn, nhân dân đều được yên ổn, lấy uy đức để phục vụ người". Nhân đó xin nay làm đồn, ngày sau lấy làm nơi thờ tự, bèn thuận cho rồi bảo với phụ lão cùng nhân dân rằng: "Trang các ngươi hậu đãi ta thì coi trọng ta, di mệnh vạn năm hương hỏa, vạn năm thờ cúng ở trang, phụng sự 5 vị hoàng tử". Các hoàng tử đem 10 thoi vàng mà vua ban cho dùng mua đất để về sau dân làng cầy cấy phùng sự thờ cúng.
Ngày 15/2 cả 5 vị hoàng tử cưỡi rồng đỏ mà đi ra biển, trong cảnh không gian, trời đất tối sầm. Lúc trời quang mây tạnh thấy trăm con thú đến chầu, 5 vị hoàng tử đã hóa thần, dân làng tấu về triều đình, nhà vua sai người về hành lễ, tế xong sai sứ sắc phong là bách thần cho 5 vị; trong đó gia phong vị thứ 7 (trong 10 hoàng tử) là thủy quan Đào Tiên triệu mưu tá tích thịch đức phong công Đại vương. Lệnh cho Trang Hoa Đào nghênh đón mỹ tự về lập miếu thờ cúng. Ngày 10/8 là ngày sinh của thần, ngày 15/2 là ngày mất của thần.
Bản thần tích do: "Thái tử thiếu bảo đông Các Đại học sĩ ở Viện Hàn Lâm là Nguyễn Bính phụng soạn vào ngày tốt, đầu xuân năm Hồng Phúc thứ 1" (1572).
"Mùa thu năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) nội các bộ lại theo chính bản cũ phụng chép".
Trong sách Quỳnh Côi dư địa chí của tri huyện Ngô Vi Liễn có ghi: "Thôn Mỹ thờ đệ thất Hoàng tử thủy cung Đào Tiên hiển ứng đại vương". Trong sắc phong triều vương Khải Định, lục nguyệt, nhị thập lục nhật (Khải định năm thứ 10, tháng 6, ngày 26! có phong cho vị thần được thờ ở làng Mỹ (thôn Mỹ) là: "Đệ thất thủy quan Đào Tiên" (Quan Điều Thất); là: "Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần".

b. Tóm tắt bản thần tích thứ 2:
Bản (điển tích) còn lưu tại đền, ghi lại sự tích các tướng thời Trần: Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải - đã từng đóng quân tại khu vực đền quan Điều Thất ngày nay - họ được quan Điều Thất báo mộng cho âm phù giúp đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Bản điển tích được soạn năm Hồng Đức thứ 3: "Mùa xuân Cát Nhật đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân tự hành dịch bản chính.
Chi Hàn Lâm Viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Kim An phụng soạn chính bản, hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ tư mùa xuân tái tuân cựu chính bản phục tả"
Tóm tắt nội dung chính của bản điển tích (thần tích): Đào tiên Quan Điều thất (Điều Thất).
Vào thời nhà Trần khi đó thuộc triều vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên lăm le đem quân xâm lược nước Đại Việt một lần nữa. Vua Trần Nhân Tông vừa triệu họp quần thần bàn kế đánh giặc sau đó phong cho Trần Quốc Tuấn làm Hưng Đạo Đại Vương trao quyền tiết chế cho thống lĩnh ba quân đánh giặc. Vua phong cho ông Trần Quang Khải là thượng tướng Thái Sư cùng với Hưng Đạo Vương lĩnh quân tuần phòng để chuẩn bị chống giặc.
Ông Trần Quang Khải mộ thêm quân lính tuần phòng phía Đông Bắc. Theo bản điển tích (thần tích) triều Lê Hồng Đức thì khi đó Trần Quang Khải đến thôn Lai ổn vào trại Trang Mỹ Khu, thấy nơi đây có ngã ba ven sông gọi là Tam Kỳ Giang, phong cảnh hữu tình. Ông ngửa mặt lên trời thấy một đám mây dài hồng sắc, bỗng trời tối đen có một luồng gió cuồn cuộn quật lộn tung lên vật xuống, sóng xô bờ ầm ầm. Bỗng ông trông thấy một con Hoàng Xà kỳ quái, các loài tôm cá nổi lên đầy mặt nước. Ông bèn khấn vái mong thần thánh phù hộ; bỗng có vị thanh quan xuất hiện trước mặt trong khoảnh khắc, lúc đó mặt nước trở lại yên tĩnh. Ông truyền quân lính thiết lập tạm đồn thú quân tại nơi đây. Đêm đó ông mộng thấy có vị thần cao to đến trước mặt mình nói: "Ta vốn trông coi động đình Long Cung, tên húy ta là Đào Tiên", nay thấy người vâng lệnh nhà vua cho quân lính đến đây, ta sẽ hiển ứng âm phù giúp người đến đánh thắng giặc…".
Ngày hôm sau thái sư Trần Quang Khải cho triệu bô lão Thôn Sài Mỹ, Trang Mỹ Khu hỏi chuyện về vị thần ở đây; sau đó ông lệnh cho nhân dân cùng binh sĩ lập miếu để phụng thờ vị thần "Đào Tiên Đệ Thất".
Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải đem quân cùng Trần Quốc Tuấn tiến đến Bạch Đằng Giang đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, bắt sống Ô Mã Nhi.
Sau chiến thắng, ông tấu biểu lên triều đình về công lao của vị thần đã âm phù giúp đánh tan giặc xâm lược. Vua Trần đã phong cho thần là :
- ĐỆ THẤT HOÀNG TỬ THỦY QUAN LINH ỨNG ĐẠI VƯƠNG.
- TẶNG PHONG LINH PHONG HỘ QUỐC QUẢNG ĐÀI CAO MINH BẢN CẢNH HIỂN HỮU ĐẠI VƯƠNG.
Nhà vua còn lệnh ghi chép công lao của thần, gia phong thêm là: "Mỹ Tử Âm Phù Nhất Vị". Vua sắc chỉ ban cho thôn Lai ổn và Trang Mỹ Khu trùng tu miếu điện thờ. Từ đó về sau các triều đều ban phong Mỹ tự cho thần.
Theo các tài liệu lịch sử và truyền thuyết còn lưu tại địa phương thì sau này Trang Mỹ Khu và miếu thờ quan Điều Thất còn là nơi đóng quân, luyện tập quân sĩ của Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sau đó đem quân đi dẹp giặc Nguyên Mông. (Theo sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã An Quý, tập 1).
Từ đó đến nay đền Mỹ (đền thờ quan Điều Thất Đào Tiên) vẫn mở hội vào ngày rằm tháng Tám hàng năm, nhân dân quanh vùng đến dự lễ hội, lễ thánh để tưởng nhớ đến công lao của thần và của các tướng sĩ nhà Trần cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có công dẹp giặc Nguyên Mông (Tóm lược sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã An Quý).
2. Những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại di tích.
a. Thời kỳ Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Theo (sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã An Quý, tập 1) và qua các cụ già trong làng kể lại. Vào thời kỳ Cần Vương (cuối thế kỷ XIX), ông Nguyễn Quốc Âu tức Hiệp Khâu quê xã An Đồng, dấy binh dưới sự chỉ huy của Thủ lĩnh Phạm Huy Quang theo lá cờ cần vương của đề đốc Tạ Quang Hiện. Nghĩa quân đã tiến đánh quân Pháp tại đò gốc Mít (Quỳnh Hoàng); nhân dân An Quý nói chung, nhân dân làng Sài Mỹ nói riêng đã có nhiều người tham gia chiến đấu, vận chuyển thương binh, lương thực… Sau này khi có "Hội Đàn Thiện" yêu nước ở An ấp, thanh niên trong làng Sài Mỹ cũng có một số người tham gia.
b, Thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (1925 - 1930) cho đến thời kỳ xây dựng lực lượng Việt Minh tiến tới tổng khởi nghĩa dành chính quyền năm 1945.
Xã An Quý nói chung và làng Sài Mỹ nói riêng vốn là địa phương có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, kiên cường anh dũng, liên tục đấu tranh qua các thời kỳ của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, độc lập tự do. Nằm ở vị trí tương đối thuận lợi về giao thông, đường thủy, đường bộ. Vì thế đền thờ quan Điều Thất luôn được chọn là địa điểm hoạt động, liên lạc, hội họp bí mật của lực lượng Việt Minh. Cụ Phạm Văn Vịnh, người của thôn (làng Mỹ, xã An Quý - (là một trong những lão thành cách mạng) và các cụ là lão thành trong thôn Mỹ, trong xã An Quý cho biết: Vào những năm 1943 - 1944; đã có Việt Minh về họp bí mật tại đền, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong vùng. Đầu tháng 8/1945 địa điểm đền quan Điều Thất là một trọng điểm để dân làng tập trung giành chính quyền ở xã, huyện Quỳnh Phụ.
c. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954).
+ Từ năm 1946 - 1949:
Trong các năm 1946 - 1949; khu vực đền là lớp học bình dân học vụ xóa nạn mù chữ và cũng là nơi luyện tập của dân quân du kích làng Sài Mỹ.
+ Từ năm 1950 - 1954:
Sau 1950, quân Pháp thường hành quân càn quét về làng Mỹ và thường nghỉ ở Đền. Tuy giặc thường xuyên lai vãng vào đền nhưng đền vẫn được chọn là nơi đi lại hoạt động của du kích vào ban đêm (hội họp, luyện tập bí mật)! và nơi đây cũng là địa điểm hoạt động của du kích, cán bộ ở các xã xung quanh như ông Phạm Văn Vịnh, Phạm Văn Nhận, Nguyễn Văn Khản là cán bộ xã Tân Tiến (thời sau cách mạng tháng Tám). Ông Đinh Văn Chí lãnh đạo xã Tân Tiến và ông Nguyễn Đình Đạt người làng Mai Trang (phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến thường đi lại đền để hoạt động vào ban đêm. Ông Đinh Công Chuyển thường vào đền hoạt động và làm hầm bí mật mỗi khi có giặc càn quét vào làng, vào xã. Lực lượng du kích bí mật đào nhiều bem (hầm bí mật) ở sát ven sông (thuộc khu vực đất của đền) để lực lượng của ta đi về hoạt động vào ban đêm hoặc trú ẩn sau khi chống giặc càn vào làng. Trong thời kỳ quân Pháp và ngụy quân đóng bốt ở Lai ổn xã An Quý, khi chúng càn vào làng Mỹ đã bắt ông Trần Văn Mỡi về đền trói vào gốc cây nhãn tra hỏi đánh đập dã man, sau đó chúng bắn ông tại gốc nhãn cửa đền.
Sau năm 1954 cho đến thời chống Mỹ thì đền quan Điều Thất vẫn là nơi hội họp của thôn, của xã và cũng là nơi luyện tập của dân quân du kích thôn Mỹ.
3. Lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích.
Lễ hội truyền thống tưởng nhớ quan Điều Thất và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh binh sĩ nhà Trần tại đền thôn Mỹ theo: "Sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã An Quý tập 1 thời kỳ trước 1945 - 1954); thường được tổ chức hàng năm vào ngày 19/8 đến ngày 26/8. Cả năm chỉ có 1 kỳ lễ hội. Lễ hội diễn ra từ ngày 19/8 - 26/8; Ngày 19/8 là ngày mở cửa đền cho khách thập phương về cúng bái, ngày 26/8 đóng cửa đền. Chính hội từ ngày 22/8 - 26/8. Ngày 22/8 là ngày đền vua cha Bát Hải vào Hội, bản đền cử người sang lễ tạ và dự hội đồng thời có giao lưu văn hóa thể thao với lễ hội ở xã An Lễ.
+ Nội dung của lễ hội: Ngày 19 mở cửa đền, tổ chức cúng tế tưởng nhớ quan thủy tiên Điều Thất và các tướng sĩ thời Trần.
- Tổ chức tế lễ mở cửa đền dâng lễ vật.
- Tổ chức thi đua thuyền.
- Tổ chức hát cung văn (hầu đồng).
3.2.1. Chuẩn bị lễ hội.
Trước đây làng có 3 giáp: giáp đông, giáp bắc và giáp tây. Hàng năm khi vào lễ hội chính mở cửa đền thì chức dịch ở địa phương và nhà đến phân bổ cho các giáp trích tiền quỹ từ các ruộng được giao cấy phục vụ lễ hội ở đền, đình, chùa, miếu trong làng! để chuẩn bị xôi, thịt, hương, hoa.
Thông thường khi lễ hội có rước kiệu thường chọn trai thanh, gái tú, lịch lãm sạch sẽ. Đàn bà con gái đang kỳ sinh nở hoặc không sạch sẽ thì không được chọn kênh kiệu, dải chiếu, thập chí còn bị cấm không được đến đền.
Lựa chọn các thanh niên khỏe mạnh, giỏi sông nước đưa vào đội đua thuyền. Trước đây làng, xã thường có tuyển chọn một đội đua thuyền để dự thi với các đội đua thuyền của xã An Lễ và các đội ở trong huyện, trong tỉnh về dự mỗi khi xã An Lễ mở lễ hội đền vua cha Bát Hải.
Hiện nay hội đền quan Điều Thất hàng năm vẫn được tổ chức thì các thôn trong xã đều lựa chọn đội đua thuyền của mình để tham gia; hiện có 4 đội đua thuyền của các thôn: Thôn Mỹ, thôn Trang, Mai Trang, Lai ổn hàng năm đều tham gia dự thi đua thuyền.
3.2.2. Tổ chức lễ hội.
Lễ hội tưởng nhớ quan Điều Thất và Đức Hưng Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh và quân sĩ thời Trần đã từng đóng quân tại đất Trang Mỹ khu xưa và khu vực đền quan Điều Thất ngày nay; thường được tổ chức rất long trọng từ ngày 19/8 đến ngày 26/8 hàng năm. Lễ hội chính thức từ ngày 22 - 26/8. Hàng năm lễ hội được khai mạc từ 7h sáng ngày 19/8 (âm). Nhưng ngày từ ngày hôm trước công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được diễn ra rất sôi nổi tại các thôn trong xã đặc biệt là ở thôn Mỹ nơi có đền thờ quan Điều Thất.
Lễ cúng vẫn theo phong tục truyền thống: xôi thịt (thủ lợn), cháo, bánh đa, hoa, quả, ngô, khoai…
a. Phần lễ: Vào ngày lễ hội mở cửa đền ngay từ sáng sớm ở nhân dân trong làng, trong xã tổ chức lễ rước nước ở ngã 3 sông về đền làm lễ. Đi đầu đoàn rước là đội kỳ lân sư tử, trống chiêng vang dội, tiếp theo là các kiệu do thanh niêm nam nữ khiêng, tiếp đó là các cụ lão ông, lão bà, lãnh đạo thôn xóm cùng nhân dân đi theo sau kiệu; sự hồ hởi tươi vui phấn khởi đều thể hiện rõ trên nét mặt của người tham gia đoàn rước. Hai bên đường từ các thôn xóm cho đến tới đền quan Điều Thất đều được cắm cờ lễ hội và cờ Tổ quốc. Trước đây khi các đoàn rước đã tề tựu đông đủ tại đền thì các chức dịch địa phương: chánh tổng, lý trưởng cùng nhà đền tiến hành mở cửa đền; ngày nay là lãnh đạo xã, thủ từ đền, các già làng cùng tiến hành làm lễ mở cửa đền. Chủ tế mặc áo chùng đen, quần trắng, khăn xếp đen. Bồi tế, thông xướng và các người khác mặc trang phục tế lễ theo quy định của lễ hội.
+ Phần lễ mở cửa đền khai hội.
Theo các tài liệu thu thập được thì lễ tế Quan Điều Thất và Đức Hưng đạo Đại Vương cùng các Tướng lĩnh, binh sĩ thời Trần được tổ chức rất long trọng hàng năm tại đền Quan Điều Thất. Một đoàn tế (tế cung đình) gồm 30 người, làm lễ chính thức thì chỉ có 17 người (trong số 30 người). Chủ tế đi hài, quần trắng, áo đỏ, có thêu rồng, đội mũ tế màu đỏ, có hai bồi tế đứng ở hai bên chủ tế để giúp việc. Hai bồi tế mặc quần màu trắng, áo xanh thêu chữ thọ, trước ngực có tiền bối bằng vải nhung thêu rộng 35cm, nam giới đi bít tất, đội mũ tế màu xanh. Nữ giới mặc áo hồng, quần trắng đi hài, số người tế nói trên chia ra làm hai hàng. Trong bồi tế có một người là thông xướng, một người là hoạ xướng.
Người xướng hô: Khởi chinh cổ
Người hoạ : Chinh cổ (ngân dài)
Hô: Bài ban (hai hàng tế đi vào đền, tay khuỳnh, tay ngai, các ngón tay chéo nhau, sau đó đi ra đứng hai bên theo chiều dọc.
Chủ tế xướng: Ban tề (hai hàng quay mặt vào nhau) ... hô : chấp sự gia cát tư kỳ sự, chánh tế quan chấp sự viên đông tây quán tế sở (có hai quán tẩy bằng gỗ chạm rồng (khay) đựng rượu để sẵn. ở hai đầu bàn có chậu nhỏ để trên để chủ tế đổ rượu ra rửa tay, khi chủ tế rửa tay thì hai hàng tế lại quay theo hàng dọc hướng mặt vào đền)... Chủ tế (sau khi rửa tay bằng rượu xong). Hô: Quán tẩy phế câu (lúc này hai hàng tế lại quay mặt vào nhau)
- Chủ tế hô: Kiểm soát lễ vật: một chủ tế cùng hai kiểm soát cầm hai ngọn đèn dầu, một người đi trước, chủ tế đứng ở giữa kiểm tra lễ : hoa quả, dầu rượu, đăng phù tửu, đi một vòng quanh hai bàn tế ở sân, sau đó vào đền kiểm soát mở văn phủ ra kiểm tra rượu, ấm chén ở ba đài, song việc lại về đúng vị trí.
- Chủ tế hô: Lễ vật củ túc (đã kiểm tra xong), Hô: giám sát viên tựu vị (ra đứng ở hai lọng tán xanh kê hai bên)... Hô: bồi tế rượu thượng vị (đứng ở hai đầu mép chiếu).
- Chánh tế quan thượng vị : (đứng ở giữa chiếu mặt hướng vào đền)
Thông xướng: Phần hương (có hai người đốt hương đứng hai bên)
Hô: Nghinh lễ đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ Trần triều . Sau đó có 3 người tiến lên đứng bằng nhau).
Tay cầm hương:
- Chiếu trên (trải chiếu ngang sang chiếu dọc). Tiếp đó là chiếu trên cùng trải dọc).
Thông xướng hô: Quỵ (quỳ)
Hoạ xướng: Giai quỵ (lúc đó 3 người cùng quỳ lễ)
Thông xướng: Hô : Hiến hương
Hoạ xướng: Tiến hương đăng hoa quả (3 người đứng lên cắm hương xong thì trở về đứng sau bàn tế. Lúc ngày người tế (nữ hoặc nam) bê hoa quả ở bàn vào đền, sau đó ra đứng hai bên đầu bàn (mỗi bên 7 người).
Thông xướng hô: Phủ phục (3 người lễ)
Hoạ xướng hô: Bình thân phục vụ (3 người cùng lùi xuống chiếu dưới cùng).
Thông xướng hô: đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ Trần triều . Cúc cung bái (chủ tế và hai người phụ tế vái 4 lễ).... Hô: Bình thân sơ hiến lễ... Nghệ tửu tận sở (người chủ tế đi từ chiếu dưới lên chiếu giữa).
Chủ tế hô: Tửu tôn (gia cửu mịch), hai người phụ tế mở màn phủ ra.
Chủ tế hô: - Trước tửu... lễ nghi . Ông chủ (hoặc bà) chủ tế dâng rượu đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ Trần triều lên, có 3 người cùng tiến lên.
Chủ tế hô: Quỵ ra quỵ (3 người cùng quỳ xuống)... hiến tước (chủ tế cầm hai chén rượu để vào tay, sau đó đi vào đền đặt rượu xong quay ra). ...
Hô: Phủ phục (3 người cùng lạy)... Bình thân phục vị (3 người trở về chiếu dưới)… Đọc chúc (2 người tiến vào đền bê chúc văn ra, 3 người ở chiếu dưới tiến lên chiếu trên)… chủ tế hô : Nghệ đọc chúc vị tiền … Hô : Quỵ giai quỵ…, hô : Chuyển chúc (chuyền cho nhau)… , Hô : Khởi đọc … khai đọc… Phủ phục 3 lễ… Bình thân phục vị… Hành hiến lễ : Nghệ tửu tôn sở… Hô : tửu tôn gia cửu mịch… Hô : Chuốc tế… Hô : Lễ nghinh đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ Trần triều – (tất cả có 3 tuần lễ lạy).
Hô: Bình thân phục vị ... Hô: Kính chương hiến lễ ... nghệ tửu tân sở…. Tửu tân gia cửu mịch… Chuốc tế. Lại hô tiếp: Lễ nghinh đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ trần triều (tất cả 3 tuần lễ – lễ ba lễ).
Hô: Bình thân phục vị … hô: Bình thân kính chung hiến lễ… Hô: Tửu tân gia cửu mịch… Hô: Chuốc tế…. Hô: Lễ nghinh đức thánh Quan Điều ,đức thánh Trần triều vị cùng chư linh tướng sĩ Trần triều… Hô: Quỵ, giai quỵ… Hô: Hiến tước … Hô: tiến tước….Hô: Phủ phục... Bình thân phục vị... Hô: ẩm phước (thụ lộc).... Hô: Nghệ ẩm phước (chủ tế tiến đến chiếu giữa).
Hô: Quỵ giai quỵ ... Hô: Nghệ ẩm phước (hai người hai bên bê rượu rót ra chén).
Xướng: Thụ lộc ... (chủ tế) vái uống, phủ phục ba lễ.
Xướng: Bình thân phục vị... tạ lễ cúc cung bái. (Lúc này cả đội tế cùng bái lạy) – mỗi lần hô đều có một lần trống, còn trống nhạc nhiều lần là do chủ tế và ban nhạc điều khiển.
+ Sau khi tế lễ xong thì thủ từ và các vị lãnh đạo xã, thôn cùng các già làng vào dâng hương. Tiếp đó là các đoàn đại diện cho các thôn trong xã, trong làng cùng các bô lão. Dân làng vào dâng hương. Sau đó là tới khách thập phương, các đoàn tế quan nam, nữ và các đoàn hát cung văn vào làm lễ tế dâng hương.
Trong lễ hội tại đền quan Điều Thất đã từ rất lâu đời truyền lại: sau phần tế lễ của các đoàn thì tới việc tổ chức hát cung văn, hát chầu văn. Hàng năm có rất nhiều đoàn về đền tham gia hát cung văn tại đền quan Điều Thất. Theo các cụ già trong làng truyền lại thì trước đây là làng có từ 1 - 2 đội hát cung văn, đến nay vẫn duy trì được đội hát cung văn ở thôn, xã. Hát cung văn (hát chầu văn) để phục vụ cho việc hầu bóng. Theo tìm hiểu các cụ cho biết hầu bóng, hầu đồng và hát cung văn gồm có 36 giá đồng nhưng tới nay có đoàn về dự hội đền chỉ mở được 7 giá đồng (bóng Cô, bóng Cậu, chầu Mẫu, hàng Quan, hàng Chầu, hàng Chúa, hàng Cô, hàng Cậu, hàng vua cha Bát Hải).
Ban đêm một điểm đáng chú ý là ban tổ chức lễ hội thường tổ chức hát chèo, hát đối. Ngày trước làm có gánh chèo và thường biểu diễn chèo hoặc gọi mời các đoàn chèo ở các địa phương khác trong vùng để tham gia. Hát đối thông thường là thanh niêm nam nữ trong làng, trong vùng vào những ngày lễ hội thường hát đối với nhau.
b. Phần hội.
Theo nhân dân trong vùng thì đền quan Điều Thất không chỉ có cảnh quan đẹp, môi trường thông thoáng mà còn là một nơi linh thiêng; vì thế vào ngày lễ hội có rất nhiều du khách thập phương hành hương về dâng lễ và tham gia các đoàn tế lễ, hát cung văn (hát chầu văn) để hầu bóng, hầu đồng. Nhất là từ khi đền được tu sửa khang trang, cây cối xanh tốt hòa với khung cảnh ngã ba Tam Kỳ Giang uốn lượn càng tăng thêm cảnh đẹp và sự hấp dẫn lạ kỳ.
Không chỉ có hát cung văn mà trong lễ hội còn tốt chức các trò chơi văn hóa dân gian náo nhiệt, hấp dẫn du khách đến dự lễ hội: Đó là đua thuyền, đấu cờ người, chọi gà, thi bắt vịt, đi cầu kiều… trong những năm gần đây ban tổ chức lễ hội lại đưa vào các môn thi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…làm cho lễ hội càng trở nên náo nhiệt đông vui. Trong những ngày hội chính thường có diễn chèo vào các buổi tối ngay tại khu vực đất của đền hoặc ở trong thôn.
+ Trong những ngày hội tháng 8 âm lịch, song hành với việc tế lễ rất sôi động thì ở phía ngoài di tích cũng diễn ra các hình thức hoạt động vui chơi, giải trí mang tính dân gian, sôi động hấp dẫn. Hội đền quan Điều Thất xã An Quý lại trùng với đền Đồng Bằng xã An Lễ và hội đền A Sào của xã An Đồng, An Thái, Quỳnh Thọ… (Nơi có thờ Đức Thánh Trần) vì vậy những hoạt động văn hóa dân gian trong dịp lễ hôi đã lôi cuốn du khách về dự hội rất đông để thưởng thức tham gia, chứng kiến các trò chơi dân gian.
+ Thi bơi chải, đua thuyền:
Theo truyền thuyết của dân làng và thần tích thần phả để lại thì trước đây ở trước cửa đền là ngã ba sông, có nhiều thuyền chiến của thủy quân trong đội quân của Hưng Đạo Vương. Không chỉ có vậy Trần Quốc Tuấn đã từng đóng quân và luyện tập binh sĩ ở đây . Vì thế để kỷ niệm ngày đại thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và cũng là tưởng nhớ Đức Thánh Trần và quân sĩ của ngài! Nên hàng năm vào tháng 8 bao giờ nhà đền cùng các địa phương khác trong vùng cũng mở lễ hội. Lễ hội ở đền quan Điều Thất hàng năm luôn tổ chức thi bơi chải trong lễ hội của đền hoặc tham gia thi bơi chải cùng các đội trong lễ hội đền Đồng Bằng.
Theo các cụ già và ban quản lý đền thì trước năm 1945 thi bơi chải ngày hội tháng 8 tại đền quan Điều Thất rất sôi động. Trước đây đội đua thuyền của làng Mỹ cùng chung thi tài với đội thuyền xã An Lễ. Trong hội thi bơi chải còn có đội của các huyện bạn, tỉnh bạn như: Thái Thụy, Tiền Hải và tỉnh Hải Dương. Đường đua kéo dài từ ngã ba sông Diêm cửa đền quan Điều Thất đến cống đôi. Với chiều dài đường sông khoảng 4km; người đứng xem chật đứng hai bên bờ sông, tiếng trống thúc, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả một vùng trời. Các quan, các phú gia thường treo giải thưởng làm cho cuộc thi càng thêm sôi động. Do nhiều yếu tố khách quan và sự phát triển của địa phương, những năm gần đây đua thuyền ở đền quan Điều Thất đã được tổ chức riêng không đua chung với đội của xã An Lễ như trước. Hàng năm khi hội đền mở, các thôn: Mai Trang, Lai ổn, Thôn Trang, trong xã An Quý đều tổ chức đội đua thuyền của mình để tranh tài với đội đua thuyền thôn Mỹ. Đường đua từ ngã ba sông (cửa đền quan Điều Thất) tới cầu Vật xã An Lễ (qua cửa đền vua cha Bát Hải) thì quay lại. Thông thường mỗi thuyền đều phải đua 4 vòng (khoảng 1km 1 vòng), mỗi thuyền đua thường có 17 người (trong đó có 1 người chỉ huy bơi chèo, tay cầm cờ lệnh và thổi còi hoặc cầm trống bắt nhịp, hai bên cạnh của thuyền mỗi bên có 8 người). Các tuyển thủ đua thuyền mặc áo thun màu vàng sáng. Trước đây thường mặc áo chùng thũng và quần chân què; đầu vận khăn đỏ. Các thuyền viên theo lệnh thuyền trưởng bắt nhịp, cùng nhau gắng sức đua tài trước sự cổ vũ động viên khích lệ của những người dân tới xem thi bơi chải đứng chật bên bờ sông. Thông thường nếu có đông đội dự giải (có sự tham gia của các xã bạn, các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn, trước đây các cụ còn mời các đội đua của huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Diêm Điền và Hưng Yên về dự tranh giải thì ban tổ chức thường phải tổ chức thi vòng loại từ ngày 10/8. Sau đó thi chung kết vào ngày 24/8 để chọn đội nhất, nhì. Nếu đông đội đua thì tính đến giải ba, giải tư. Giải thưởng hiện nay chủ yếu là thưởng tiền cho các đội đạt giải. Sau một thời gian vì nhiều lý do mà lệ bơi chải (đua thuyền) bị mai một; trong những năm gần đây với sự quyết tâm phục hồi văn hóa truyền thống của địa phương nên lệ thi bơi chải trong lễ hội tháng 8 tại đền quan Điều Thất đã được khôi phục; tìm lại bản sắc văn hóa "sông nước" của lễ hội đền quan Điều Thất có từ thời xa xưa do cha ông truyền lại.
+ Thi cờ người:
Thi đấu cờ người từ xưa đã được tổ chức hàng năm vào những ngày mở hội đền quan Điều Thất ở khu vực bãi đất ngay tại đền. Theo các cụ già trong làng cho biết: các giáp phải đề cử người cho làng chọn để "đóng" tướng Ông, tướng Bà… đó phải là trai gái "tân" có dung mạo xinh đẹp, đoan trang, khỏe mạnh, đức hạnh nết na… có những năm hội mở ra đã thu hút rất nhiều kỳ thủ từ các nơi về dự giải, góp phần làm cho hội đền trở nên sinh động, nhộn nhịp, vui vẻ.
+ Thi chọi gà: Từ xưa trong những ngày lễ hội của Đền đã có tục thi chọi gà: Thi chọi gà cũng có thi vòng loại, để tiến tới chọn ra các "thớt" gà tiêu biểu đẻ vào vòng đấu chung kết.
+ Thi hát đúm: "Tức hát trao duyên": hát đúm là kiểu hát dân ca Bắc Bộ, đặc biệt; tuy cũng sử dụng các làn điệu dân ca, chèo… để hát nhưng lại rất khó vì lời hát không có viết sẵn, chủ yếu là hát cương, tự ứng, tùy theo chủ đề đối đáp mà lựa ý, chọn lời, lựa điệu mà ứng hát cho hay, cho hợp.
Vì thế mỗi bè phải có vài người rất thông thuộc ca dao, tục ngữ lại còn cần phải có khả năng ứng đối linh hoạt, khả năng vận vần (thường là vần thơ lục bát), kiến thức rộng để có thể hát, đáp bất kỳ lĩnh vực nào)… ví dụ chủ đề về quê hương, đất nước, chủ đề tình yêu, gia đình, tình nghĩa làng xóm, cho đến kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; hoặc chăm sóc nuôi dạy con cái.
Khi hát đối bên nào không trả lời được hoặc trả lời không đúng, không hay là bị thua cuộc. Thông thường những người tham gia hát chia làm 2 bè: bè nam và bè nữ. Hát đối nhau, khán giả dự nghe đồng thời cũng là giám khảo.
Hình thức hát đúm này rất độc đáo (hiện nay chưa khôi phục lại được).
+ Chiếu chèo trong lễ hội đền quan Điều Thất vào buổi tối thường có tổ chức chiếu chèo ngay tại cửa đền (lệ này đến nay chưa khôi phục được mà chỉ có tổ chức diễn chèo trong lễ hội hoặc ở trong thôn).

4. Hiện trạng của di tích.
Di tích văn hóa lịch sử đền quan Điều Thất nằm ở phía Nam của thôn Mỹ, thuộc xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; phía bắc giáp với làng Sài (xã An Quý), phía tây giáp đường liên xã (trước đây là đường đê sông Diêm Hộ), phía nam giáp với ngã ba Tam Kỳ Giang đổ ra dòng sông Đào Động (nay là sông Đồng Bằng, thuộc xã An Lễ) - bên kia sông là làng Nổ (Phúc Thành) xã An ấp và làng giao hòa xã An Vinh. Phía đông giáp cánh đồng làng Đồng Hưng thuộc xã An Lễ.
- Di tích đền quan Điều Thất cách trung tâm huyện Quỳnh Phụ (thị trấn Quỳnh Côi) khoảng 6km.
- Từ thị trấn Quỳnh Côi đến ngã ba cầu Láp rẽ tay phải đi theo đường nhựa liên xã khoảng 1km là tới đền; hoặc có thể từ Thành phố Thái Bình đến cầu Vật xã An Lễ rẽ tay trái dọc theo đường liên xã qua đền vua cha Bát Hải, qua đền công đồng khoảng 500m là tới di tích đền quan Điều Thất xã An Quý.
+ Di tích đền quan Điều Thất tọa lạc trên diện tích 5.674,3m2 (loại đất DDT). Trước mặt là ngã ba Tam Kỳ Giang uốn khúc, sau lưng là gò Đống Mỹ cao sừng sững đúng như người xưa nói đền có địa thế: Thủy đáo diện tiền, sơn tọa sau lưng. Đúng là thế đất Long chầu Hổ phục đầu rồng là ngã ba Tam Kỳ Giang (như lời người xưa truyền lại) - quả nơi có địa thế đẹp, trước cửa đền ngày nay có tạo hình "động Sơn Trang" chầu chúa Thượng Ngàn, án môn cuốn chữ, sân đền có lư hương đá, đôi rồng phục kiến trúc có hình dáng đẹp, hài hòa cùng với 5 gian tòa bái đường được xây dựng khang trang, lại thêm cây xanh vây quanh xanh tốt tỏa bóng xuống dòng sông bao quanh đền tạo nên nét đẹp môi trường sinh thái tốt lành, quả là một phong cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách gần xa.
Theo các tài liệu thần phả, thần tích sắc phong và tư liệu điều tra điền dã qua các già làng thì đền quan Điều Thất đã có từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII; tương truyền nơi đây xưa từng là nơi đóng quân của Trần Quốc Tuấn và cũng là nơi dừng chân trước khi đi đánh quân Mông trong trận Bạch Đằng của thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Theo thần tích ghi lại sau chiến thắng chống giặc Nguyên do vị thần quan Điều Thất có công âm phù cho quân ta thắng trận nên vua Trần Nhân Tông đã sắc phong cho thần và truyền dân nhân xây đền thờ thần. Người xưa truyền lại từ đó đến nay đã qua 3 lần trùng tu đền. Đầu tiên đền chỉ là một cung nhỏ làm bằng thân cau, lợp tranh. Sau đó thì xây tường lợp ngói 3 gian. Đến nay đền đã được xây dựng khang trang theo hình chữ Đinh. Phía trước là 5 gian đại bái, phía sau là hậu cung của đền. Tòa chính của Đền gồm 5 cung :
1. Cung cấm thờ quan Điều Thất bản đền (có tượng của quan Điều để trong hậu cung).
2. Cung đệ nhất thờ bài vị của quan bản đền.
3. Cung đệ nhị thờ ngũ vị tôn quan.
4. Cung bên trái thờ tam tòa thánh mẫu.
5. Cung cạnh bên phải thờ đứng Trần Triều và nhị vị Vương Cô
6. Tiếp theo phía bên phải có cung thờ ông Hoàng Mười.
7. Tiếp theo phía bên trái là cung thờ ông Hoàng Bảy

+ Diện tích đất đai của di tích từ xưa đến nay đã được yên tọa theo quy định của làng và chính quyền các triều đại phong kiến trước đây; và cho tới chính quyền ngày nay. Hiện tại theo trích lục "sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của UBND xã An Quý" ngày 02/06/2016 đã ghi rất rõ: Diện tích của đền quan Điều Thất là 5674,3m2;nằm trên thửa đất số 189, tờ bản đồ số 1, có bản in kèm theo; diện tích đất của đền tính cho đến ngày nay không có sự tranh chấp với tập thể và cá nhân nào tại địa phương.